Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là đất của một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Phủ Tây Hồ hay gọi phủ Mẫu Tây Hồ thờ bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.
Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Cái xuất xứ ly kỳ của phủ Tây Hồ là thế.
Ngày nay, men theo con đường rợp bóng cây cuối khu biệt thự Tây Hồ ở thủ đô Hà Nội, giữa bát ngát hương sen và cảnh đất trời hòa quyện trong ánh nắng chiều tà, đảo nhỏ được người xưa ví là “bãi đất cá vàng” nhô ra giữa mặt nước lung linh, đúng là cái thế “đầu rồng, thân rồng, rùa cõng” khiến khách vãn cảnh cảm thấy âm dương đối đãi, tâm hồn mình thư thái lạ.
Vượt qua cổng phủ Tây Hồ sừng sững bên cây đa cổ, con đường vào phủ uốn lượn theo mép hồ lơ thơ liễu rủ lại đưa bước chân du khách tới hai cây vối lớn hiếm thấy và một cây si cổ thụ ngay trước cửa Động Sơn Trang, vươn những chùm rễ đại ra mặt nước cho chim chóc đua nhau về làm tổ. Cảnh đẹp nên thơ ấy là một trong những lý do khiến phủ Tây Hồ luôn thu hút khách thập phương đến bằng đường bộ cũng như bằng thuyền trên hồ Tây. Công trình văn hóa tín ngưỡng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia này cũng là điều khiến không ít du khách trầm trồ tán thưởng.
Vào những ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, không chỉ những người Hà Nội, mà khách hành hương từ nhiều nơi khác cũng kéo nhau về, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều an lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình hồ Tây.
52, Tô Ngọc Vân, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
8B/52, Tô Ngọc Vân, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
164, Xuân Diệu, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Đặng Thai Mai, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Tô Ngọc Vân, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội