Đặng Thai Mai (25 tháng 12, 1902 ? 1984) (còn được biết đến dưới tên gọi Đặng Thái Mai và những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình) là một giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Viện trưởng Viện Văn học những ngày đầu tiên Viện mới được thành lập.
Ông sinh tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Thân phụ ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.
Sau khi thân phụ bị bắt, ông về sống tại quê nội từ năm 6 tuổi, và được bà nội nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, học chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo chương trình Đông kinh nghĩa thục.
Năm 1924 ông tốt nghiệp Trung học Vinh, ra học Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, rồi vào dạy ở Trường Quốc Học Huế.
Ông tham gia Đảng Tân Việt của Lê Văn Huân, bị bắt và bị tù treo. Năm 1930, ông lại bị giặc bắt lần nữa. Sau ra tù, ông sinh sống và dạy học ở Hà Nội. Năm 1936 ông là hội viên Hội Truyền bá quốc ngữ và được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ (đơn vị Quảng Nam). Từ đó ông bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và viết báo tiến bộ cách mạng bằng tiếng Việt, tiếng Pháp công khai ở Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ nhiều chức vụ trong chính quyền. Thời kỳ này ông đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu giá trị.