Lịch sử phát triển của Trường Đại học Y Hà Nội gắn liền với lịch sử đất nước ta hơn một thế kỉ nay. Khoá sinh viên khai giảng đầu tiên vào ngày 01/03/1902. Sau Cách mạng Tháng Tám, trường Đại học Y Dược Hà Nội đã hoà mình ngay vào sự nghiệp chung của đất nước trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau khi đất nước thống nhất, Đại học Y Hà Nội tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển, đồng thời trở thành nơi cung cấp nguồn lực con người cho các trường đại học phía Nam như Đại học Y Huế, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Y Khoa Cần Thơ, Y Khoa Thái Nguyên…
Các tên tuổi thế hệ bác sĩ có nhiều cống hiến to lớn cho nền y học Việt Nam đã từng gắn bó với Đại học Y Hà Nội như: Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung, Hoàng Đình Cầu, Vũ Triệu An, Vi Huyền Trác, Nguyễn Bửu Triều…
Ngày nay, Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò trọng điểm của mình: gắn bó với sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và cống hiến hết mình cho nền y học Việt Nam. Về cơ cấu tổ chức, trường có 2 khoa và 74 đơn vị trực thuộc, trong đó: 18 phòng ban, văn phòng; 13 trung tâm, đơn vị Nghiên cứu và Dự án; 8 bộ môn khoa học cơ bản; 12 bộ môn Y học cơ sở; 23 bộ môn Y học lâm sàng.
Lực lượng cán bộ của trường hiện có 508 giảng viên; 308 cán bộ công nhân viên; 32 Giáo sư (trong đó có 7 chuyên gia cao cấp); 76 Phó giáo sư; 170 Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học. Số ngành đào tạo đại học: 6, sau đại học: 42 với 2.419 sinh viên đại học và gần 3.000 học viên sau đại học. Tính tới thời điểm hiện tại, trường đã đào tạo cho nước ta trên 17.000 bác sĩ chính quy và khoảng 10.000 học viên sau đại học.
Không chỉ chú trọng công tác nghiên cứu khoa học mà nhà trường còn đặc biệt quan tâm tới công tác hợp tác quốc tế (tham gia hội thảo khoa học, hợp tác trao đổi học viên…), vì vậy mà uy tín Đại học Y Hà Nội ngày một nâng cao, tiếp cận được với những kiến thức và công nghệ tiến bộ trên thế giới, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, sinh viên…
Mục tiêu phấn đấu của Đại học Y Hà Nội là đưa các mũi nhọn trọng tâm về khoa học - công nghệ đạt trình độ các nước trong khu vực và quốc tế trên cơ sở các thế mạnh của trường, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ có chất lượng cao tại các cơ sở trong và ngoài nước, với các giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài nước, trao đổi chuyên gia…
Với những thành tích đã đạt được (trường có 10 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 8 công trình được tặng Giải thưởng Nhà Nước về KHCN…), Đại học Y Hà Nội đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì (1982), Huân chương Lao động hạng Nhất (2002), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996), Đơn vị Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2000)…
1, Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Hà Nội
4, Đặng Văn Ngữ, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Hà Nội
20, Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Hà Nội
P111 - A11, Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Hà Nội
8, Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa, Hà Nội