Ý định thành lập bảo tàng đã có từ năm 1987 nhưng mãi đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định chính thức về việc xây dựng bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 1997, bảo tàng chính thức được khánh thành.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam toạ lạc trên một khu đất rộng nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, cách trung tâm thủ đô chừng 8km. Bảo tàng bao gồm một nhà triển lãm lớn là một toà nhà 2 tầng có dáng mô phỏng hình trống đồng - biểu tượng của nền văn minh Việt Nam. Bên ngoài là một khuôn viên khá rộng và đẹp được dùng làm không gian trưng bày ngoài trời, giới thiệu những phong cách kiến trúc đặc trưng nhất của các dân tộc ở Việt Nam.
Bạn không cần lên tận Hà Giang mới biết nếp sinh hoạt của người Tày, không cần vào Nghệ An để gặp người Chứt, cũng không cần đến Tây Nguyên mới hiểu được về phong tục của người Êđê… Ở ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, với một chuyến tham quan khoảng 2 giờ đồng hồ tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bạn không chỉ được ngắm tranh, ảnh, xem phim tư liệu mà còn được tận mắt chứng kiến những hiện vật sống động và những nét đặc sắc nhất trong văn hóa các dân tộc Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng, Dao, H’mông…
Bảo tàng có đủ 54 bộ sưu tập về từng dân tộc như: Người Thái, người Hmông, người Gia Rai..., phân chia theo công dụng, có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về ngư cụ, về vũ khí, về đồ gia dụng, về nhạc cụ... Ngoài ra còn có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo - tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác… Mỗi hiện vật đều có chú thích ghi rõ tên gọi hiện vật, đồng thời cho biết dân tộc và xứ sở sản sinh ra nó.
Những nét văn hóa truyền thống từ ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của các dân tộc đều được giới thiệu thông qua những chi tiết tiêu biểu nhất, giúp người xem nhận ra nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Đến với bảo tàng, khách tham quan chắc chắn sẽ vô cùng thích thú và ngạc nhiên với những cảnh như đám ma của người Mường, cảnh lên đồng của người Thái, hay một bức ảnh ghi lại một khoảnh khắc rất bình dị của một người chở hàng trăm chiếc rổ, rá, lờ, đó… trên một chiếc xe đạp.
Trong không gian nhà triển lãm của bảo tàng hiện nay có một khu vực trưng bày với chủ đề Xã hội Việt Nam dưới thời kỳ bao cấp, được thực hiện rất công phu, với những hiện vật và nhân chứng cụ thể, khiến cho người xem không khỏi xúc động về một giai đoạn đã đã qua của dân tộc.
Bước ra khỏi nhà triển lãm, du khách sẽ đến với Bảo tàng Dân tộc học ngoài trời với những khu nhà của các dân tộc khác nhau. Để giới thiệu đến người xem một cách chân thực nhất truyền thống văn hóa của các dân tộc, các khu nhà trưng bày trong bảo tàng đều do chính bàn tay những người thợ địa phương dựng nên. Bạn sẽ không tìm thấy sự khác biệt nào giữa nhà Rông ở bảo tàng với nhà Rông ở Tây Nguyên. Trong mỗi khu nhà, cách bài trí, các vật dụng,… cũng được sắp xếp đúng theo tập quán của mỗi dân tộc.
Để giúp đỡ khách tham quan, trong mỗi khu nhà đều có nhân viên hướng dẫn hoặc các tình nguyện viên rất thân thiện và cởi mở. Du khách có thể ghi lại những ấn tượng của mình vào những cuốn sổ ghi cảm tưởng đặt tại mỗi nhà, hoặc ghi feed back ở gần khu vực cửa ra vào.
Với cảnh quan đẹp, không gian thoáng mát, lại có nhiều góc rất ấn tượng, hiện nay bảo tàng Dân tộc học còn là địa điểm lý tưởng cho các đôi uyên ương đến chụp ảnh cưới ngoài trời. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn múa rối nước, góp phần vào việc bảo lưu vốn văn hóa dân tộc.
Với những hoạt động đã đang và sẽ được thực hiện trong tương lai, có thể nói Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
sưu tập trang sức 500 bộ cho 1 dân tộc, đều có kí hiệu 3 số 3 được dịch bằng ngôn ngữ ót đi a của đức quốc xã,nhưng hoàn toàn là của việt nam,có hết tất cả đồ phòng cụ là theo thứ tự từ 700 > 1500 không có con số 600 là dành cho 1 dân tộc và còn rất nhiều hiện vật không thể tìm ra nếu phòng cụ không đủ năm tháng đầy đủ 1032 cách đây 20000 năm được gọi là năm công nguyên ngày cống hiến của triều đại nguyễn trí lê niên hiệu CôngNgonHônTít.
Nguyễn Văn Huyên, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Chùa Hà, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
123, Trần Đăng Ninh, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Nguyễn Văn Huyên, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Nguyễn Khánh Toàn, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội