SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ TRƯỜNG CAO ĐẲNG GTVT TRƯỚC NĂM 1945
Thời kỳ thuộc Pháp từ năm 1945 về trước ở Việt Nam đã có Trường Cao đẳng Công chính từ năm 1902. Sơ lược sự phát triển hệ thống trường lớp đào tạo cán bộ giao thông vận tải như sau:
- 06/6/1902 mở Trường Thư ký và cán sự chuyên môn công chính đặt tại Hà Nội.
- 15/4/1913 Đổi tên thành Trường Công chính vẫn đặt tại Hà Nội. Đào tạo cán sự trung cấp chuyên môn công chính, thời gian đào tạo: 2 năm
- 1918 nâng trường lên: Trường Cao đẳng Công chính nhưng đào tạo trung cấp kỹ thuật là chính, mãi đến năm 1923-1924 có tuyển một số học xong cán sự công chính học thêm 1 năm để thành công trình sư (lớp có 4 người)
- Năm 1925: Đào tạo cán sự chuyên môn người bản xứ (thời thuộc Pháp, những người sinh ra ở Nam bộ, Hà Nội, Hải phòng, Đà nẵng được xem như dân Pháp) cho các sở công chính, địa chính, thời gian đào tạo tăng lên 3 năm trong giai đoạn này, năm 1925-1926 mở lớp công trình sư cho 5 người.
- Trường Công chính tạm ngừng nhận sinh viên vào học từ năm 1931-1938 vì nhu cầu nhân sự.
- 8/1938 Trường tái hoạt động trở lại vẫn đào tạo cán sự công chính, thời gian đào tạo 3 năm, cho các khoá: 1938-1941, 1939-1942, 1941-1944, còn khoá 1942-1944 học được 2 năm đến đầu tháng 3/1945 thì Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, khoá học đình chỉ, sinh viên trở về quê. Sau này một số trở lại học hoàn thiện ở Trường Cao đẳng công chính dưới chính quyền cách mạng, hoặc trường dưới chế độ Nguỵ lập ra từ năm 1947 ở Sài gòn.
- Năm 1943-1944 chọn 3 sinh viên đỗ đầu khoá 1938-1941, 5 sinh viên có kết quả học tập đạt 13 điểm trở lên khoá 1939-1942, vào học lớp kỹ sư đầu tiên, thời gian học 10 tháng (khi đó lớp có SV Nguyễn Nhật Quang và SV Vũ Đức Thận là Hiệu trưởng của Trường sau này). Năm 1944 máy bay B24 Mỹ ném bom các cơ sở của quân Nhật nên lớp kỹ sư này dời vào Đà lạt và tháng 9/1944 mới tốt nghiệp ra Trường.
- Tuy thời gian đào tạo trên 40 năm (từ 6/1902 đến tháng 3/1945) nhưng số lượng đào tạo được rất ít, theo thống kê của lớp tiền bối đi trước thì số lượng đào tạo các hệ từ 1902-1945 có 13 khoá học được 204 người, trong đó có 2 lớp công trình sư (1923 và 1925-1926) là 9 người và 1 lớp kỹ sư năm 1944 là 8 người còn lại là cán sự công chính: 187 người.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG CHÍNH KHAI GIẢNG VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO TỪ 1945 - 1957
Tháng tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã dành được độc lập, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á. Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn, trước tình cảnh thù trong, giặc ngoài nhưng Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã quan tâm tới việc”diệt giặc dốt”, tạo tiền đề cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để xây dựng đất nước, kiến thiết nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc:”Dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá”.
Ngành giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế quốc dân, có vị trí rất quan trọng, liên quan đến mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, quốc phòng. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho ngành Giao thông vận tải trở thành yêu cầu cấp bách và hết sức cần thiết lúc bấy giờ. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trường Cao đẳng Công chính- tiền thân của Trường Cao đẳng Giao thông vận tải ngày nay- đã được khai giảng lại ngày 15 tháng 11 năm 1945 theo Nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hoè và Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Đào Trọng Kim. Trụ sở của Trường được đặt tại 33 phố Hàng Tre. Ông Nguyễn Như Quỹ, kỹ sư hạng tư ngạch công chánh, Giám đốc Nha Hoả xa được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng Nhà Trường.
Tháng 12/1946, Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Trường Cao đẳng Công chính tạm ngừng đào tạo, đi sơ tán và phục vụ kháng chiến.
Tháng 10/1947, tại nơi sơ tán (Chùa Viên Đinh, làng Chuôm thuộc Cống Thần- Chợ Đại, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông) đã chính thức khai giảng khoá đầu tiên của Trường Cao đẳng Công chính gồm 3 lớp (2 lớp cao đẳng, 1 lớp Trung đẳng).
Thực dân Pháp âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng, uy hiếp Hà Đông. Tháng 4/1948 Trường phải di chuyển vào huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Ông Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính trực tiếp làm Hiệu trưởng Nhà trường. Đến tháng 7 năm 1949, Nhà trường tổ chức kỳ thi quốc gia khoá 1 cho hai hệ Cao đẳng và Trung đẳng. Đã có 17sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 7 sinh viên Cao đẳng Kỹ sư, 10 học sinh tốt nghiệp Trung đẳng.
Tháng Hai năm 1949, theo Sắc lệnh số 2 SL, ngày 01 tháng 02 năm 1949 của Chính phủ về việc thành lập Trường Cao đẳng kỹ thuật và Nghị định số 60-D/SH ngày 24 tháng 02 năm 1949 của Bộ Giao thông công chính, Nhà trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật, có nhiệm vụ đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật về giao thông công chính, kiến trúc, bưu điện… đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đầu năm 1949, chi bộ Đảng đầu tiên của Nhà trường đã được thành lập, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động của Nhà trường.
Tháng 2/1951, Nhà trường tiếp tục phải sơ tán vào Đa Nê- Yên Định Thanh Hoá rồi chuyển sang Phong Lạc, đến Mai cầu, Trung Chính, huyện Thọ Xuân. Dù phải di chuyển nhiều nơi, Nhà trường vẫn đảm bảo việc giảng dạy, học tập, đảm bảo sinh hoạt của Nhà trường; tiến hành chiêu sinh khoá 2 và khoá 3, trong đó khoá 2 đào tạo cả Cao đẳng và trung đẳng công chính, khoá 3 chỉ đào tạo trung đẳng công chính, trung đẳng bưu điện, thời gian đào tạo là 2 năm.
Năm 1950, Nhà trường tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thứ hai cho 2 lớp Cao đẳng IIA, II B và một lớp Trung đẳng khoá II; có 26 sinh viên Cao đẳng, 14 học sinh lớp Trung đẳng được Bộ Trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa công nhận tốt nghiệp tại nghị định 275-SH/NĐ.
Năm 1951, để đảm bảo an toàn và tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương, toàn Trường lại sơ tán lên Việt Bắc. Đến cuối năm 1951, Trường chuyển đến làng Chẩu, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và đóng tại đó cho đến khi hoà bình lập lại 1954.
Trong thời gian này, Nhà trường vẫn đảm bảo việc học tập cho khoá 3, khoá 4, tổ chức thi tốt nghiệp cho 30 sinh viên cao đẳng khoá 3; đồng thời chiêu sinh khoá 5, 6 đưa tổng số sinh viên lên gần 200 người, chưa kể lớp Trung cấp bưu điện khoá 4 đã được tách ra để thành lập trường Trung cấp Bưu điện do yêu cầu phát triển của ngành Bưu điện. Ngoài ra Nhà trường còn tổ chức huấn luyện những kiến thức chuyên môn sơ cấp về cầu đường hơn 100 cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong.
Hoà bình lập lại, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, trên 100 thày trò Nhà trường tổ chức thành lập đoàn khảo sát gồm 6 đội dưới sự chỉ huy của Ông Nguyễn Nhật Quang- Hiệu trưởng Nhà trường, tham gia khảo sát, thiết kế tuyến đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan. Cũng từ tháng 3/1955, Bộ Giao thông Công chính đã quyết định rút một số cán bộ của Trường (Ông Nguyễn Nhật Quang, Đào Hữu Râu, Nguyễn Thành Vân) để thành lập Ban Xây dựng lại trường mới. Trụ sở của Ban đặt tại 33 Nguyễn Thượng Hiền, sau đó chuyển về làng Thủ Lệ (trên khu Voi phục hiện nay) để tiến hành công việc xây dựng lại trường.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khôi phục tuyến đường sắt, cán bộ, thày và trò Nhà trường trở về Hà Nội xây dựng cơ sở mới tại Cầu giấy để mở lại Trường Cao đẳng Công chính và chuẩn bị tuyển sinh khoá 7 trung cấp, được khai giảng vào ngày 06 tháng 7 năm 1955.
THỜI KỲ TRƯỜNG MANG TÊN TRUNG HỌC GTVT - (1957 - 1996)
Tháng 8/1956, Nhà nước có Quyết định chuyển sang đào tạo nguồn lực lao động lớn trình độ trung cấp để phục vụ đất nước trong xây dựng hoà bình, Trường Cao đẳng công chính được tách ra thành các trường Trung cấp: Trung cấp giao thông, Trung cấp Thuỷ lợi và Trung cấp Kiến trúc, các trường này bắt đầu hoạt động từ đầu năm 1957. Trường Trung cấp giao thông tiếp tục tuyển sinh khoá 8 hệ đào tạo 3 năm gồm các ngành: Cầu, đường, đầu máy, toa xe, thương xa (vận tải đường sắt). Số sinh viên khoá 7 và khoá 8 được tuyển vào khoảng 300 người. Tiếp đó từ khoá 9 đến khoá 12, bình quân mỗi khoá tuyển 350 học sinh vào học. Hàng năm cho ra trường khoảng 300 cán bộ Trung cấp kỹ thuật có chất lượng tốt góp phần đáng kể vào phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho ngành GTVT, phục vụ khôi phục mạch máu giao thông sau khi hoà bình lập lại ở Miền bắc.
Tháng 8/1960, Bộ GTVT có quyết định thành lập Ban xây dựng Trường Đại học GTVT, theo đó thầy Nguyễn Nhật Quang và một số bộ phận cán bộ lãnh đạo, giáo viên, công nhân viên của trường Trung cấp giao thông vận tải được chuyển lên công tác ở Trường Đại học giao thông vận tải.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), sau khi đào tạo đến khoá 12, Trường Trung cấp giao thông lại tách thành 2 Trường: Trường Trung học giao thông vận tải Thuỷ - Bộ và Trường Trung học giao thông vận tải đường sắt.
- Trường Trung học GTVT Đường sắt đóng tại Voi phục Cầu giấy. Đến cuối năm 1964 do giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc, Trường sơ tán lên xã Vân hội và Đông đạo thuộc Huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Năm 1968 Khoa kinh tế thuộc Trường tách ra thành lập Trường Trung cấp kinh tế và đến năm 1971 lại nhập Trường Trung học Kinh tế vào Trường Trung học GTVT Đường sắt.
- Trường Trung học GTVT Thuỷ Bộ, lúc đầu đóng tại Voi phục Cầu giấy, đến năm 1963 chuyển sang xây dựng Vĩnh cửu ở Láng (Nay là KTX của Trường Đại học GTVT trên đường Nguyễn Chí Thanh). Cuối năm 1964 Trường sơ tán lên đóng quân ở Đầm Vạc (nay thuộc Phường Đồng tâm- Thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
- Năm 1970 Trường Trung học GTVT Thuỷ Bộ tách ra làm 2 trường: Trường Trung học GTVT Đường bộ và Trường TH GTVT Đường Thuỷ.
- Trường Trung học Giao thông vận tải đường thuỷ chuyển về đóng ở xã Vân Thái và An Tĩnh, Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1974 chuyển đến xây dựng vĩnh cửu ở xã Tiên Tiến, Thanh Hà. Hải Dương. Năm 1975 tiếp nhận thêm Khoa Trung học Cơ khí thuỷ (Máy, Vỏ tàu thuỷ) của Trường Đại học Hằng Hải sát nhập vào Trường. Cuối năm 1975 sau khi thống nhất đất nước, một bộ phận cán bộ giáo viên của Trường được cử vào Thành phố Hồ Chí Minh làm bộ khung để thành lập Trường Trung học GTVT 6 (Nay là Trường Cao đẳng GTVT III- TP. Hồ Chí Minh).
- Trường Trung học GTVT Đường bộ đóng tại Đầm Vạc, nhưng các năm chiến tranh chống Mỹ phải sơ tán ra các huyện xung quanh để đảm bảo giảng dạy học tập.
Cuối năm 1975 trường Trung học giao thông đường bộ và Trung học GTVT Đường sắt đã chọn cử một số cán bộ lãnh đạo trường, cán bộ các phòng ban, khoa và giáo viên có kinh nghiệm vào Phú Tài, Bình Định thành lập trường Trung học GTVT 5 (Nay là Trường Cao đẳng GTVT II, đóng tại Thành phố Đà Năng), đồng thời cử giáo viên chi viện cho Trường Trung học GTVT 6 (TP. Hồ Chí Minh)
Từ năm 1970 4 1977 Trường TH GTVT Đường bộ phối hợp với các trường Trong Bộ GTVT đã cử một số cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm sang làm chuyên gia giúp nước bạn Lào thành lập Trường giao thông Trung ương Lào và chỉ đạo tổ chức giảng dạy cho nước Bạn đào tạo tại chỗ đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ bảo vệ và xây dựng đất nước Lào.
- Tháng 12/1983 Bộ GTVT cho sát nhập 3 Trường Trung học GTVT: Đường Bộ, Đường Thuỷ, Đường Sắt thành Trường Trung học GTVT I và chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về địa điểm của Trường TH GTVT đường bộ (Đầm vạc - Vĩnh Yên). Trong những năm 1980, ngoài đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho đất nước thống nhất, Nhà trường còn cử một số giáo viên có kinh nghiệm làm chuyên gia sang giúp Căm Pu chia tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật giao thông vận tải.
- Ngày 8/2/1990, Bộ GTVT có quyết định hợp nhất Trường Trung học GTVT Miền núi Thái Nguyên (đóng ở Phường Tân Thịnh- TP. Thái nguyên, Tỉnh Thái Nguyên) với Trường Trung học GTVT I thành Trường Trung học GTVT khu vực I. Khi đó cơ quan hiệu bộ vẫn ở Đầm vạc – Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, còn ở Thái nguyên được chuyển thành Trung tâm đào tạo GTVT Miền núi thuộc Trường TH GTVT KV I
- Ngày 30/10/1991, Bộ GTVT có quyết định sát nhập Trường Công nhân cơ khí Ôtô Hà Nội (thuộc Cục cơ khí giao thông) vào Trường Trung học GTVT Khu vực I và đổi tên thành Phân hiệu đào tạo Nghề thuộc Trường, Từ năm 1993 cơ sở chính của Trường Trung học GTVT KVI đặt ở Hà Nội trên địa điểm của Phân hiệu đào tạo nghề này.
- Như vậy giai đoạn từ 1960 đến 1996 và đặc biệt là từ năm 1983 đến 1991 là giai đoạn nhập vào của 4 Trường Trung học GTVT phía Bắc và trường Dạy nghề công nhân cơ khí Hà Nội, thành một Trường Trung học GTVT KVI, là một trường THCN lớn ở Việt Nam.
- Từ 1960 đến 1996 Nhà trường đã chiêu sinh đào tạo 35 khoá (từ khoá 13 đến khoá 47) với trên 5 vạn học sinh hệ THCN và Dạy nghề công nhân kỹ thuật cho Ngành GTVT, phục vụ đắc lực mở đường giải phóng Miền nam và xây dựng đất nước, sau ngày hai miền thống nhất và thời kỳ đầu đổi mới kinh tế xã hội. Trong thời kỳ đổi mới Nhà trường đã mở rộng để đa dạng hoá các loại hình đào tạo, ngoài đào tạo nhiều chuyên ngành hệ THCN, hệ Dạy nghề và Trung học Nghề còn mở rộng các loại hình đào tạo khác như : đào tạo thí điểm hệ cử nhân Cao đẳng XD cầu đường (từ 1992) và Cơ khí Ôtô- Máy xây dựng (từ 1993), trung học Tin học ứng dụng và hệ Dạy nghề Kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng đường bộ,vv.
THỜI KỲ TRƯỜNG CAO ĐẲNG GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 24/7/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 480/TTg nâng cấp Trường Trung học GTVT khu vực I thành Trường Cao đẳng giao thông vận tải. Từ đó ngoài đào tạo hệ THCN và Dạy nghề, Trường đào tạo hệ Cử nhân cao đẳng kỹ thuật và kinh tế. Ngoài đào tạo hệ chính quy tập trung còn mở rộng thêm nhiều hình thức đào tạo như: Chính quy theo địa chỉ (cho các Tổng công ty trong Ngành giao thông vận tải), đào tạo Tại chức cao đẳng, đào tạo liên thông từ THCN lên Cao đẳng và liên kết với các Trường Đại học đào tạo tại chức đại học và chuyên tu từ Cao đẳng lên Đại học cho một số chuyên ngành đào tạo.
Đối với hệ Cao đẳng, những năm đầu thí điểm đào tạo tại Hà Nội, sau đó mở rộng lên cả 2 cơ sở đào tạo ở Vĩnh Yên và Thái nguyên. Từ năm 1998 để tạo điều kiện cho 2 Trường Trung học GTVT KVII và Trung học GTVT III chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, Trường mở liên kết đào tạo hệ cao đẳng với 2 Trường ở TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cho đến khi 2 Trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng.
Từ năm 1997 đến nay, Trường Cao đẳng GTVT tiếp tục chiêu sinh đào tạo được 9 khoá (khoá 48 đến khoá 56), từ năm 2000 chỉ tiêu tuyển sinh của Trường được giao. năm sau cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm tuyển vào 3600 HS-SV (trong đó cao đẳng 1500, THCN 1500, Dạy nghề 600). Ngoài đào tạo chính quy tập trung các ngành nghề trên, Nhà trường tiếp tục đào tạo ngắn hạn lái xe ôtô các loại và xe môtô 2 bánh; thường xuyên tham gia mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước cho cán bộ trong Ngành GTVT.
Hiện nay trụ sở chính của Trường đóng tại số 54 Phố Triều Khúc- Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Trường có Trung tâm đào tạo Vĩnh Yên đóng tại Phường Đồng Tâm, Thị Xã Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc và Phân Hiệu Cao đẳng GTVT Miền Núi đóng tại Phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài Phân hiệu Cao đẳng GTVT Miền núi Thái nguyên, các đơn vị trực thuộc Trường gồm có: 3 trung tâm đào tạo, 4 phòng chức năng, 6 khoa chuyên môn, 3 tổ bộ môn trực thuộc và Công ty xây dựng công trình giao thông. Hàng năm lưu lượng HS-SV ở thời điểm cao lên tới 10 nghìn. Cán bộ giáo viên, công nhân viên thời điểm hiện tại khoảng 430 người. Trong đó đội ngũ giảng dạy 270 người (35% có trình độ thạc sỹ và Tiến sỹ, còn lại hầu hết có trình độ Đại học).
272, Vũ Hữu, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
54, Triều Khúc, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Số 10, Đường vào Đại Học Hà Nội, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Km 9, Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tầng 14, tòa nhà Sông Đà, Đường Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội