Chùa Trấn Quốc thuộc địa phận làng Yên Hoa (nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ). Chùa có lối kiến trúc độc đáo gồm nhiều lớp, nhiều tượng Phật được xếp từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ.... Đặc biệt là pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy và 14 tấm bia, trong đó có bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng năm 1639 và 1815.
Chùa còn có cây bồ đề sinh ra từ Tây Trúc do Tổng thống Ấn Độ Prasat trồng tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Việt Nam năm 1959.
Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 544-548), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về việc tôn tạo này. Đầu đời Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời Vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680- 1705) đã được người dân Hà Nội quen gọi cho đến ngày nay. Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử - Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc được phép, đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn viên chùa gồm 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 m vuông. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa). Năm 1989 chùa được công nhận là “Di tích lịch sử văn hoá” cấp quốc gia.
Chùa Trấn Quốc đã sống một cuộc đời riêng, hòa chung trong lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến mà mỗi viên ngói trên mái chùa rêu phong đều mang trong mình một câu chuyện, gợi lên hoài niệm về những kí ức của Hà Nội thân yêu.
89, An Dương, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội
118, Yên Phụ, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội
193, An Dương, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội
200, Yên Phụ, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Thanh Niên, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội