Trường đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội được thành lập tháng 6 năm 1996, do Giáo sư Trần Phương (Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm Hiệu trưởng. Do mở rộng mục tiêu đào tạo sang lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kể từ tháng 5 năm 2006 (dưới đây viết tắt là ĐKC)(1). Sau 10 năm hoạt động, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển Trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, không vì mục đích lợi nhuận. Trường xác định sứ mệnh của mình là đào tạo các nhà kinh tế thực hành và các nhà kỹ thuật thực hành, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một dàn cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp - những “binh đoàn chủ lực” trên mặt trận phát triển kinh tế xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trường lấy đào tạo nghề nghiệp - thực hành làm định hướng chủ yếu, không chỉ quan tâm trau dồi kiến thức, mà trau dồi kiến thức phải đi đôi với rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển tư duy tìm tòi sáng tạo, kết hợp lý luận với thực tiễn, không chỉ quan tâm phát triển tài năng, mà phát triển tài năng phải đi đôi với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhằm đào tạo thanh niên thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Trường đã có 10 khoá tốt nghiệp với 11.841 sinh viên tốt nghiệp Đại học, 492 sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng và 1.090 sinh viên tốt nghiệp Trung cấp (tính đến cuối năm 2009). Hầu hết đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức lương tương đối cao. Đội ngũ giảng dạy của Trường gồm 350 giảng viên cơ hữu và 420 giảng viên thỉnh giảng. Số giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư và Giáo sư chiếm 28% tổng số giảng viên, số giảng viên có trình độ Thạc sĩ chiếm 31%, phần còn lại là Cử nhân, Kỹ sư. Trường được trang bị 1.400 máy vi tính, bảo đảm cho mỗi sinh viên một máy khi học và thực hành. Khối lượng kiến thức và kỹ năng của Chương trình đào tạo tương đối “nặng” so với các trường khác. - Đại học : 240 so với 210 đơn vị học trình
- Cao đẳng : 180 so với 140 - 150 ĐVHT
- Trung cấp : 120 so với 100 - 110 ĐVHT
Khối lượng kiến thức và kỹ năng này đòi hỏi sinh viên phải học hành chuyên cần, nghiêm chỉnh. Những người ham chơi hơn ham học, muốn học giả mà lấy bằng thật thì không thích hợp với các chương trình này.
Nhà trường triệt để chống tiêu cực, chống gian lận trong thi cử, cấm tặng quà cáp cho thầy cô giáo. Bất cứ cán bộ nhân viên nào, nếu phạm vào điều cấm kỵ này, đều bị loại khỏi trường. Nếu là sinh viên thì phải chịu hình thức kỷ luật nặng nhất
489, Kim Ngưu, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
21, Lạc Trung, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
456, Minh Khai, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
10, Yên Lạc, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
160A, Lạc Trung, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội