Phố Nguyễn Khuyến là đất thôn cũ Nam Hưng - Huyền Ngô - Ngọc Hà. Nguyễn Khuyến là tên đặt thay cho tên phố Sinh Từ có từ thời Pháp thuộc. Phố Nguyễn Khuyến, tên cũ thời thuộc Pháp gọi một đoạn của phố Lương Ngọc Quyến trong năm 1945-1946. Thời kỳ tạm chiếm 1948-1954 đây là tên gọi phố Nguyễn Khắc Cần.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông là làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ.
Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi là cụ Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài và làm nghề dạy học. Mẹ ông là Trần Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạt.
Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864-1865) là bạn học ở trường cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên phẫn chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây. Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.
Các tuyến xe bus chạy qua:
Tuyến số: 23, 38