Phố Cát Linh bắt đầu tư phố Quốc Tử Giám đến ngã tư Giảng Võ - Giang Văn Minh, dài 750m, nằm trên đất thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận xưa. Cát Linh là cách gọi của từ "Cát Tường - Linh ứng" có nghĩa: Đem đến điều may mắn, tốt lành, là tên ngôi chùa cổ Phổ Quang tự, từ thời Trần Nhân Tông.
Phố Cát Linh trước kia chỉ là con đường nhỏ hẹp lát đá dăm, hai bên đường xen kẽ những ngôi nhà thấp bé, lợp mái prôximăng, giấy dầu, còn có những ruộng rau muống, đầm lầy, cống rãnh. Cuối đường là bãi rác được san lấp ao hồ xây dựng các công trình nhà ở. Người dân trên phố chủ yếu là công nhân Xí nghiệp cao su Hà Nội, công nhân Nhà máy gạch Đại La, một số dân đến cư ngụ buôn bán gạch, ngói, xi măng, vôi, cát ngay trên hè hoặc dựng lều bán các dụng cụ phụ trợ cho xây dựng như thúng, mủng, quang gánh, dao xây, bay, xẻng, cuốc, chổi đót, dây thép, dây gai. Bộ mặt phố Cát Linh thay đổi từng ngày.
Đặc điểm địa lý:
Giờ đây, phố Cát Linh rộng hơn 20m, chiều dài khoảng 1,3 km, lát nhựa phẳng lì, hai bên phố mang diện mạo của thương trường hội nhập. Hướng Tây Bắc tiếp giáp với Giang Văn Minh, hướng Đông Nam tiếp giáp với đường Quốc Tử Giám.
Các tuyến phố cắt ngang: Giảng Võ, Trịnh Hoài Đức, Bích Câu, Tôn Đức Thắng.
Các ngành hàng chủ yếu:
Là phố của vật liệu xây dựng, với các doanh nghiệp trong nước không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng để chiếm lĩnh thị phần như Nhà máy gạch Thạch Bàn, gạch Đồng Tâm, gạch men Mỹ Đức, gốm Hạ Long, Tổng Công ty sứ Thanh Trì Viglacera, các sản phẩm sứ vệ sinh cao cấp sản xuất theo dây chuyền hiện đại của Tập đoàn SACMI - Italia... Các Công ty lớn nước ngoài cũng nhanh chóng hoà nhập vào thị trường sôi động sầm uất của Cát Linh với những thương hiệu nổi tiếng: LiNax, Selta, Asisto, To To, Royal. Ở đây còn có Khách sạn Hà Nội 18 tầng ngay đầu phố đi từ Giang Văn Minh.