Trường PTTH ERNST THÄLMANN là nơi xuất phát phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Miền Nam ở thời điểm năm 1950. Chặng đường đấu tranh oanh liệt của nhân dân Sài Gòn, từ ngày thành lập Đảng đến ngày Giải Phóng đất nước không thể quên được đỉnh cao của cuộc đấu tranh với phong trào chống Mỹ cứu nước nổ ra tại sân trường Tôn Thọ Tường ngày 19/3/1950 ( nay là trường ERNST THÄLMANN) có hàng trăm ngàn quần chúng đấu tranh do Đ/C Nguyễn Hữu Thọ công khai dẫn đầu đã biểu tình thị uy rầm rộ, kéo xuống bến tàu. Hai chiếc tàu chiến Mỹ đến giúp Đế Quốc Mỹ xâm lược Pháp trước khí thế của quần chúng đã phải rút neo bỏ chạy. Đó là lần đầu tiên nhân dân ta trực tiếp chống Đế Quốc Mỹ thắng lợi. Phát huy truyền thống vẽ vang và tự hào của mái trường thân yêu này, gần 30 năm qua trường đã phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt để tô thắm cho trang sử vàng ngày càng rực rở hơn …
LỊCH SỬ NGÀY TRUYỀN THỐNG 19-3
Những ngày đầu 1950, bọn thực dân Pháp thua đau tại Việt Nam, Lào, Campuchia như có nguy cơ thất bại hoàn toàn. Bọn Mỹ đã công khai can thiệp vào Đông Dương .
Ngày 9/1/1950 hàng ngàn học sinh sinh viên với sự phối hợp, tham gia của các đại biểu, các giáo sư đã tổ chức cuộc biểu tình kéo dài đến nha học chánh Nam phần (nay là viện bảo tàng cách mạng thành phố) phản đối việc đóng cửa trường, việc khủng bố học sinh, đòi bảo vệ an ninh và trả tự do cho học sinh tham gia phong trào yêu nước đang bị bắt giam. Bọn thực dân đã đàn áp phong trào một cách dã man làm cho 30 học sinh bị thương nặng trong đó có Trần Văn Ơn là học sinh trường Petrus Ký (trường Lê Hồng Phong bây giờ) bị sát hại. Vì thế ngày 9/1 tới sau này đã trở thành ngày "Truyền thống đấu tranh của học sinh, sinh viên toàn quốc"
Ngay sau khi cuộc đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn Chợ Lớn đã bị đàn áp đẫm máu, đồng bào thành phố càng căm thù bọn thực dân Pháp và bọn bù nhìn bán nước, phong trào đấu tranh của các giới đồng bào ngày càng lên cao. Trước tình hình đó, bọn Mỹ ngày càng tìm cách thâm nhập, đua vũ khí, quân đội vào Sài Gòn để hòng uy hiếp tinh thần kháng chiến của ta; xong ngược lại chúng đã vấp phải sự giáng trả đích đáng của nhân dân ta. Đó là những trái lựu đạn nổ ở khách sạn Continental, nơi bọn cầm đầu phái đoàn Mỹ đang ở vào ngày 18/3, lực lượng vũ trang đã cho nổ hàng chục trái lựu đạn, nã súng cối vào 2 tàu chiến Mỹ đang đậu ở bến Thủ Thiêm.
Hừng sáng chủ nhật 19/3/1950, khi mặt trời chưa lên, đèn điện chưa tắt, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của đảng bộ Sài Gòn Chợ Lớn, 120.000 quần chúng nội đô và ven đô đã xuống đường. Bên cạnh nhiều địa điểm tập hợp, trường tiểu học Tôn Thọ Tường (nay là trường ERNST THÄLMANN) đựơc chọn làm diễn đàn công khai chống bọn can thiệp Mỹ, phản đối can thiệp vào Đông Dương, cuộc tuần hành thị uy của quần chúng .Dòng người nhu thác đổ từ địa điểm ban đầu tràn ra các đại lộ chính của thành phố như đường Lê Lợi, Nguyễn Hụê. Trên đường tuần hành số người mỗi lúc một đông, chẳng bao lâu đoàn biểu tình đã lên đến 250.000 người. Cũng trong cuộc mít tinh này luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đến tham dự và nói chuyện với đồng bào. Mặc cho bọn địch khủng bố đàn áp, cuộc biểu tình càng lúc càng dâng cao như vũ bảo. Khoảng 9 giờ sáng ngày 19-3, trên tầng lầu 3 của trường Tôn Thọ Tường, tổ xung kích thanh niên đã nhanh chóng kéo cao lá cờ đỏ sao vàng to lớn bằng lụa, đẹp, phất phới bay lộng giữa bầu trời thành phố rực nắng ban mai. Đó là lá cờ "Hịch chống Mỹ" của Tổ quốc, cùng với những khẩu hiệu hô vang "Đả đảo đế quốc Mỹ", "Hồ Chí Minh muôn năm", khiến cho kẻ thù hoảng sợ và bỏ chạy trước khí thể mãnh liệt của đoàn biểu tình. Nhiều nơi cờ Pháp, cờ Mỹ, cờ ba que của tay sai và ảnh Bảo Đại bị hạ xuống. Bọn Mỹ hoảng sợ bỏ chạy hết lên tàu và ngay đêm đó chúng vội vã chuồn khỏi Sài Gòn.
Cuộc biểu tình 19/3 đã thắng lợi. Mỹ phải hủy bỏ cuộc thao diễn thủy quân và không quân như chúng đã dự tính. Ngày 19/3/1950 đã đi vào lịch sự dân tộc và trở thành "Ngày toàn quốc chống Mỹ" của nhân dân ta. Ngày mà thầy trò chúng ta đáng ghi nhớ tinh thần chống Mỹ được quy tụ từ nơi đây .
Tiếp theo những thời điểm nóng bỏng ấy, tuổi trẻ thành phố hòa cùng toàn dân luôn giữ vững truyền thống đấu tranh cho tới ngày giải phóng hoàn toàn đất nước.
LƯỢC SỬ TÊN TRƯỜNG QUA CÁC THỜI KỲ
Với những thắng lợi qua các giai đọan đấu tranh, cùng với những bước thăng trầm của đất nước, những biến cố chính trị. Trường ta đã lần lược thay đổi tên trường qua các thời đại lịch sử. So với trường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học thuộc quận 1, cùng nằm trên đại lộ mang tên vị danh tướng Việt Nam Trần Hưng Đạo, đây cũng là nét đặc biệt của trường :
- Trước năm 1954, trường mang tên TÔN THỌ TƯỜNG (nhà thơ-làm việc cho Pháp).
- Năm 1954-1962, trường mang tên PHAN VĂN TRỊ (nhà thơ yêu nước thế kỷ 19).
- Năm 1962-1979, trường mang tên CÔ GIANG (vị anh thư trong cao trào đấu tranh chống thực dân ở những năm 1928-1930) .
Nhưng đến ngày 8/3/1979, theo quyết định số 840/QĐ/UB của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh, trường chính thức mang tên vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Đức đồng thời là nhà họat động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở nữa đầu thế kỷ 20: trường ERNST THÄLMANN, là trường kết nghĩa với trường Hồ Chí Minh của thành phố Leipzig Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước đây.
BIA TRUYỀN THỐNG TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG ERNST THÄLMANN CÓ GHI:
Đáp lời kêu gọi của Đảng Cộng Sản Đông Dương, sáng ngày 19 tháng 3 năm 1950 hàng nghìn nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân lao động đã tổ chức mít tinh tại trường Tôn Thọ Tường (nay là ERNST THÄLMANN) để phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương.
Cuộc mít tinh đã bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man nhưng hàng nghìn hàng vạn người vẫn rầm rộ xuống đường, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo can thiệp Mỹ”, “Đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam”…
Hai tàu chiến Mỹ Anderson và Stickell cập bến ngày 16 tháng 3 đã phải tháo chạy khỏi Sài Gòn ngay đêm 19 tháng 3. Đây là thất bại đầu tiên của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Từ sự kiện lịch sử ngày 19 tháng 3 trở thành “Ngày toàn quốc chống Mỹ” của nhân dân Việt Nam.
8, Trần Hưng Đạo, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Hồ Chí Minh
73-75, Bùi Thị Xuân, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Hồ Chí Minh