Kéo dài từ phố Nguyễn Hữu Huân đến phố Hàng Giầy, nguyên là một dãy ao hồ thuộc thôn Ưu Nhất và Ngư Võng, tên nôm na là làng Chài vì dân sống về nghề chài lưới. Thời Pháp thuộc mới lấp hồ ao lập phố. Đây là 2 phố khác nhau: phố Ga-lê (rue Galet) và phố Nguyễn Khuyến. Phố Galet ban đầu gọi là phố Chài, tên hiện nay được đặt từ sau Cách Mạng. Nhà số 12,14,16 nguyên là nhà của thầy khoán Nguyễn Đình Phẩm. Thời tạm chiếm ông phá đi một phần xây rạp hát và chiếu bóng tức nay là rạp Đông Đô. Số nhà 26 vốn là trường học của con em Hoa kiều xây trong khuôn viên đền Sầm Công.
Lương Ngọc Quyến (1885 - 1917) là con trai Lương Văn Can. Ông cùng em trai Lương Ngọc Nhiễm là những thanh niên đầu tiên hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, sang Nhật năm 1905 theo học trường quân sự. Cuối năm 1914 ông bị cảnh sát Anh bắt ở Hương Cảng rồi chuyển sang cho Pháp, giải về Hà Nội tháng 2-1915. Thực dân xử ông án chung thân, đem giam tại nhà lao tỉnh Thái Nguyên. Ở đây ông liên lạc với một hạ sĩ quan có tinh thần yêu nước là Đội Cấn. Họ bí mật bàn kế hoạch khởi nghĩa. Đêm 30-8-1917 cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ, nghĩa quân làm chủ thị xã trong 6 ngày. Sau đó Pháp phản công nên nghĩa quân phải rút ra ngoài. Đơn vị do Lương Ngọc Quyến chỉ huy bị tổn thất nặng và ông đã hi sinh do trúng đạn đại bác của địch.