Kéo dài từ phố Hàng Đường đến phố Thuốc Bắc, nguyên là đất thôn Hậu Đông Hoa Môn, tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội Tự thành ra thôn Đức Môn. Tới đầu thế kỷ XX, phố này có tên là phố Phúc Kiến vì phần đông dân cư là Hoa kiều gốc Phúc Kiến, thời đó phố này bán đồng, thiếc. Tới những năm đầu thế kỷ XX thì nơi đây phần lớn là bán thuốc bắc. Thời Pháp thuộc cũng gọi là "phố người Phúc Kiến" (rue des Phúc Kiến). Sau Cách Mạng ta vẫn gọi theo tên đó. Thời tạm chiếm mới đổi là phố Lãn Ông. Sau ngày hòa bình, tên này vẫn được dùng. Ở phố này có hội quán Phúc Kiến, số nhà 40. Đây là hội quán của Hoa kiều người Phúc Kiến ngụ ở Hà Nội.
Lãn Ông tức Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác. Ông quê làng Liêu Xá (Hưng Yên) nhưng chủ yếu sống ở quê mẹ là làng Tình Diễm (Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1724, lúc nhỏ theo cha ăn học ở Thăng Long. Năm 20 tuổi, cha mất, ông về quê nuôi mẹ và chuyên nghề y. Qua 30 năm làm thuốc, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt là bộ "Y tông tâm lĩnh" gồm 63 quyển. Đương thời ông nổi tiếng là 1 danh y, năm 1781 chua Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Ông có thuật lại sự việc này trong quyển "Thượng Kinh ký sự" được coi là một tác phẩm văn học có giá trị. Ông mất năm 1791.