Phố Hàng Nón hiện nay là một phố tương đối dài hơn mấy phố chung quanh; nó đo được hai trăm mười sáu mét, đi từ phố Đường Thành đến phố Hàng Quạt, chỗ ngang ngã ba Hàng Hòm. Ngày xưa thì phố Hàng Nón chỉ là một đoạn của Hàng Nón bây giờ, là ngã tư Hàng Điếu - Hàng Gà đến ngã ba Hàng Thiếc; còn đoạn đầu phía tây giáp Đường Thành mới có về sau đồng thời với phố Đường Thành (khoảng 1920); và đoạn đầu phía đông từ Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm trước kia là phố Mã Vĩ giáp Hàng Đàn.
Đoạn phố ngắn của Hàng Nón giáp Đường Thành vì mở đường sau nối dài đoạn phố chính, chỉ là hai dãy tường bên và cửa ngách của mấy ngôi nhà lớn mặt trước quay sang phố Đường Thành hoặc phố Hàng Điếu. Vì vậy chỗ này không có số nhà (những số nhà hiện có là đặt về sau khi những nhà phụ trở thành chỗ ở chính của những gia đình về Hà Nội sau 1954).
Đoạn chính của phố Hàng Nón, từ xưa là nơi có nhiều cửa hàng bán nón. Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam, có cả người Hà Nội, đàn ông cũng như đàn bà đều dùng nón đội đầu. Đàn ông có nón dứa, nón lông có chóp bằng bạc hoặc đồng. Đàn bà có nhiều loại nón hơn, sang thì dùng nón thúng quai thao (còn gọi là nón Nghệ), người tầm thường, người lao động thì đội nón ba tầm, nón chảo làm bằng lá gồi mềm. Từ những năm cuối thập niên mười, người Hà Nội trừ những người có tuổi, đàn ông không ai đội nón nữa, họ đội khăn bịt, đi ô; đàn bà sang trọng dùng dù vải. Ngoài đường chỉ thấy những người lao động nặng nhọc lam lũ còn đội nón lá.
Trước kia sự dùng nón còn phổ biến trong nhân dân thì ở phố Hàng Nón cả hai dãy mặt phố đều có cưả hàng bán đủ các loại nón, kể cả nón ?tu lờ? dành cho nhà chùa. Cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, sau chỉ còn vài ba nhà giữ nghề cũ, nón chỉ còn thấy bán ở trong các chợ.
Những cửa hàng bán nón ở Hàng Nón được thay thế bằng những hiệu buôn những mặt hàng khác.
Có mấy cửa hàng bán guốc sơn dùng cho phụ nữ: Mỹ Sinh và Mỹ Thịnh; chủ hiệu là người làng Hà Vỹ, một làng có nghề cổ truyền sơn ta. Họ từ Hàng Hòm dọn đến đây mua guốc gỗ đẽo sẵn, sơn mầu để bán.