Phố Hàng Mành nối phố Hàng Bông, chỗ ngã tư Hàng Hài, với phố Hàng Nón, chỗ đầu Hàng Đàn, phố Hàng Mành dài một trăm năm mươi mét, ở trên đất của hai thôn cũ Kim Cổ và Yên Thái.
Trong phố này tập trung nhiều nhà làm mành mành nứa để che cửa. Họ là người làng Giới Tế (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nơi có nghề cổ truyền này; những nhà làm mành nứa ở đây đều có họ hàng với nhau (hiện nay vẫn còn ba, bốn nhà làm nghề mành).
Những nhà làm mành dùng cả trong nhà và vỉa hè để chẻ nứa và kê dàn đan mành; họ phần đông ở chỗ đầu phố từ ngã tư Yên Thái đến Hàng Nón. Đi qua đây nhiều khi ta thấy mấy bác nghệ nhân già trải rộng chiếc mành nhuộm màu xanh đang múa bút, dùng màu đỏ vàng trắng trong những chiếc chậu sành nhỏ, vẽ rồng phượng và hoa văn lên nền nứa đan.
Phố Hàng Mành trong những thập niên mười, hai mươi, ba mươi gợi cho người Hà Nội một cảm giác dè dặt khi đi qua đây; trong phố có mấy nhà thổ có môn bài, có bốn, năm nhà thuộc vào loại sach sẽ hơn những nhà ở trong ngõ Yên Thái (nhà số 20 còn bày biện sang trọng như một gia đình lương thiện)
Là một phố cổ của Hà Nội, nơi làm ăn của thợ thủ công nghèo, nên Hàng Mành, ngoài những nhà làm mành, chỉ có những cửa hàng nhỏ buôn bán vặt, hàng quà như bánh giò, phở. Những năm sau 1920, giá trị nhà đất khu phố buôn bán tăng, nhiều người có tiền tậu đất, phá nhà cũ nát, xây nhà mới có gác, như bà Phán Thanh người Hàng Bông (số nhà 32) có cả một dãy nhà nhiều gian cho thuê (Hàng Mành số 40 - 44). Đối diện là tường bên của nhiều nhà thuộc phố Hàng Hài, Hàng Quạt: nhà in Lê Văn Phúc số 16 Hàng Bông có cổng sau ở Hàng Mành; số 27 Hàng Mành là cổng sau của nhà số 36 Hàng Hòm. Một nhà xây thềm cao cũng làm từ lâu, một nhà là của chủ thầu vệ sinh thành phố trước Năm Giệm. Dãy nhà bên số lẻ giáp Hàng Bông là của một quan lại (tuần phủ Nguyễn Đình Quỳ).
Có nhà to đẹp thì có thêm nhiều nhà buôn và kinh doanh khác đến ở: nhà Minh Phương mở xưởng in; Nam Hưng bán tạp hoá, buôn pháo; một cửa hiệu Đông y (số 3).