Phố Hàng Mắm bây giờ là tên một phố từ phố Bờ Sông vào đến phố Hàng Bạc; trước đó con đường này là hai phố khác nhau, một ở trong và một ở ngoài cửa ô Ưu Nghĩa, có cổng xây canh gác ban đêm. Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm thuộc thôn ưu Nghĩa, tổng Hữu Túc; bên ngoài cửa ô là phố Hàng Trứng thuộc thôn Thanh Yên tổng Tả Túc.
Sách "Vũ Trung Tuỳ Bút" của Phạm Đình Hổ có viết về nơi đây: "Vạn Hàng Mắm" tức là bến sông, người làng sống dưới thuyền buôn mắm.
Nhà cửa trong phố Hàng Mắm đa số kiểu cổ như các nhà ở những phố cổ của Hà Nội trong khu vực này. Tuy nhiên vụ cháy lớn đầu năm 1891 đã thiêu huỷ toàn bộ nhà cửa trong phố; quang cảnh nhà cổ sau này ta thấy cũng chỉ là có sau vụ hoả hoạn đó, vì về sau chỉ có số ít nhà mới làm hoặc cải tạo sửa chữa lại mặt đằng trước cho hợp thời. Nói chung phố Hàng Mắm vẫn còn có thể giữ được hình ảnh của phố cổ. Ngay cả trong thời kỳ có chiến sự ở Hà Nội 1946 - 1947, nhà cửa phố Hàng Mắm cũng không bị thiệt hại mấy.
Cho cả những năm ba mươi bốn mươi phố Hàng Mắm hãy còn nhiều cửa hàng bày bán mắm tôm đặc trưng trong chậu sành, gạt bằng thành xương sườn trâu; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi bằng thùng gỗ bán dần; cua rạm muối, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ, bán buôn đi nơi khác. Hàng bán buôn là chính, do phường buôn mang đi các tỉnh. Những năm sau Hàng Mắm có thêm cửa hàng buôn đồ nấu cỗ như vây bóng mực khô...Nhà buôn mắm nổi tiếng là nhà cụ Tú Dâu (nhà số 28, nhà cổ thềm cao); Cự Xương (số 6); Cự Hải (số 1) và Cự Tài (số 150 phố Bờ Sông), ba nhà này là anh em trong một gia đình.
Đặc điểm địa lý:
Phố có chiều dài khoảng 0,5 Km một chiều tiếp giáp với phố hàng bạc. Một chiều giao với phố Hàng Tre.
Các phố cắt ngang: Phố Mã Mây, Phố Nguyễn Hữu Huân
Các sản phẩm chủ yếu:
Chuyên bán các sản phẩm đồ gốm, điêu khắc đá, nhà hàng, khách sạn, thời trang...