Trước đây được gọi với tên Phố Sông Tô Lịch. Phố Hàng Lược phía Bắc giáp với phố Hàng Cót, từ cầu Sắt xe lửa đi xuống đầu ngã năm Hàng Mã - Chả Cá - Hàng Đồng - Thuốc Bắc, dọc theo bờ sông Tô Lịch cũ ở phía bắc. Vì thế mà thời thuộc Pháp, chính quyền thành phố đặt tên phố đó là phố Sông Tô Lịch. Dòng sông Tô Lịch từ chỗ cửa sông thông với sông Hồng theo hướng đông tây, đến phố Hàng Cá thì quặt lên hướng tây bắc đến sát tường thành Hà Nội để làm thành con hào thiên nhiên bảo vệ thành trì; chỗ quặt đó ở ngang số nhà 14 Hàng Lược, những năm thập niên mười trước kia người bên Hàng Đồng (phố cũ) sang chợ vẫn phải qua chiếc cầu tre, cầu đó được thay thế bằng một chiếc cổng lớn, vì lòng sông đã cạn chỉ còn như một lạch thoát nước, do đó mà đường phố này còn một tên nữa là phố Cống Chéo Hàng Lược.
Còn cái tên Hàng Lược gốc gác thế nào? Tất nhiên là xưa kia phố này có những nhà buôn và bán lược. Lược gỗ, lược sừng làm ở nơi khác, người trong phố mua buôn, có người khác đến cất lại, hoặc bày bán lẻ trong các cửa hàng xén và các chợ. Những năm sau trong phố vẫn còn mấy nhà bán lược ở cạnh đình Vĩnh Trù; những cửa hàng bán lược đó (số 61 và 63 hàng Lược) đến 1936 là cửa hàng bán thịt chó và bán phở. Cạnh đó là một nhà làm đồ mã thửa của Cả Nghị và Súi.
Hàng Lược là một đường phố cũ, khu vực thừa hưởng cái cảnh trên bến dưới thuyền khi còn con sông Tô Lịch; có một số người Pháp đã thử lập nghiệp ở chỗ này: nhà Passignat một hiệu buôn xuất nhập khẩu lớn, ở 18 Hàng Lược. Sau vì địa thế hẹp không thể phát triển được , người Pháp bỏ đi ở chỗ khác thì chỗ này trở lại khu phố hoàn toàn Việt Nam.
Dân phố Hàng Lược khi không còn bến sông, sống nhờ cả vào chợ Đồng Xuân; họ là những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công. Trong phố cũng có một số gia đình công chức và nhân viên sở tư, những gia đình công chức nhỏ thì thường chồng đi làm ở công sở, vợ buôn bán trong chợ, ở nhà bày bán loại chọn riêng thứ xấu bán lẻ cho người qua đường.
Hàng Lược lại là nơi gần Thành, nên có những người sống quay về phía đó, khách hàng của họ là lũ lính Tây. Đó là những nhà chứa thổ lậu, tiệm hút; nhà số 65 là nhà mụ Quản Vẹt một vợ