Trại Tiên Ngư trên bờ sông Tô Lịch có từ đời xa xưa; trại đó ở vào giữa khoảng một bên là phường Đông Hà, một bên là phường Vĩnh Thái; dân trị Tiên Ngư làm nghề đánh cá và bán cá. Trại tiên ngư sau có tên là thôn Đông Thuận.
Đình thôn Đông Thuận (nay là số nhà 27 Hàng Cá), tên thông thường là đình Hàng Cá, thờ Lý Tiến một vị tướng thời Hùng Vương có công đánh giặc xâm lược phương Bắc. Đình đó hiện nay đã bị cắt xén để mở đường phố, chỉ còn sót lại hậu cung; bài vị được rước về thờ chung ở đình Ngũ Giáp Hàng Cót. Tại góc phố Hàng Cá - Chả Cá, cây cối che khuất một mái đình nhỏ diện tích chật hẹp, có bậc lên cao, cổng thường đóng kín, đó là ngôi nhà thứ hai của thôn Đồng Thuận.
Hiện nay không còn sông Tô Lịch, không còn chuyện "cá mú", nơi đây riêng chỉ còn sót lại cái tên truyền khẩu phố Hàng Cá, sau lại thêm Chả Cá cắt ngang, hai tên đó không liên quan gì đến nhau.
Đoạn phố Hàng Cá từ ngã tư Chả Cá đến ngã tư Lò Rèn: đoạn phố không dài. Trừ chỗ đình Hàng Cá (số 27) chỉ là một khoảng diện tích hẹp và ở góc đường ngôi đình Đồng Thuận chiếm một mảnh đất nhỏ, đoạn phố Hàng Cá đó có nhiều nhà mới có cái làm khoảng thập niên 20 kiến trúc kiểu 1927 - 1930, có cái làm sau 1938 hiện đại hơn, bằng bê tông, thường là ba tầng diện tích hẹp thì phát triển lên bề cao.
Đình Đồng Thuận ở góc phố Chả Cá được tu sửa mấy năm gần đây. Cũng như đa số đình trong thành phố Hà Nội, thôn làng cũ tan rã, đình chùa bỏ hư hỏng chỉ còn hình thức, thì bọn chủ thầu kinh doanh nhà đất lợi dụng làm ăn. Mụ Chưởng Thảo chuyên buôn bán đồ cũ của nhà binh trong thành đã bỏ tiền ra tu sửa đình Đồng Thuận, đưa bàn thờ lên gác, bên dưới lập bàn thờ Chư vị, kiêm thêm nghề đồng bóng. Nghề đồng bóng nuôi sống một số lớn đình chùa đều kèm nơi thờ mẫu để thu lợi nhuận.
Thời kỳ 1920 - 1935 phố Hàng Cá cũng như một số phố nhỏ khác trong khu vực Cửa Đông không có vị trí buôn bán ở phố chính, nên không có mấy nhà mở cửa hãng buôn bán hoặc sản xuất; Hàng Cá chỉ có một nhà sản xuất hương nén. Nhà cửa ở trong phố này