Hàng Bồ là một đường phố trung bình, dài hai trăm bảy mươi mét, nối khu vực Đông Thành với con đê cũ chỗ đầu phố Hàng Ngang và Hàng Đào. Phố này thuộc đất thôn Xuân Yên xưa; chỗ giáp giáp với Phố Hàng Điếu- Thuốc Bắc là đất thôn Nhân Nội.
Phố Hàng Bồ có hai đoạn: một đoạn ngắn ở phía đông; từ ngã tư Hàng Đào - Hàng Ngang đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can; một đoạn dài ở phía tây, đây mới là đoạn chính của phố Hàng Bồ.
Đoạn ngắn giáp Hàng Đào- Hàng Ngang trước kia có tên là phố Hàng Dép.
Mặt phố bên trái, số lẻ, là những căn nhà hẹp và bé, xây áp vào tường nhà của phố Hàng Đào, lòng nhà chỉ đủ chỗ cho mấy bà bán hàng ngồi, trên tường chung quanh chỗ ngồi treo la liệt guốc dép: guốc gỗ mộc, guốc gỗ sơn, guốc Sài Gòn, dép quai ngang, déo cong, dép hạ. Chỗ này chỉ bày hàng bán, tối đóng cửa, người bán hàng về nhà riêng, phần đông ở Nội Miếu hay phía sau Hàng Bạc cạnh hồ Sao Sa. Những năm về sau guốc dép ít người mua, mấy cửa hàng nhỏ hẹp bán giày dép này có lẫn cả cửa hàng chữa đồng hồ, cắt tóc, dù là cửa hàng gì thì cũng chỉ đủ chỗ cho bày một chiếc tủ kính nhỏ của thợ đồng hồ hay chiếc ghế bành gỗ và cái gương treo tường trên một giá con bày dao kéo lược.
Mặt phố bên phải, số chẵn, có nhiều cửa hàng diện tích rộng hơn phía bên số lẻ, những căn nhà tựa lưng vào ngôi nhà phố Hàng Ngang, không đủ đất làm sân sau. Đoạn phố này có những cửa hàng bán giày, những chủ cửa hiệu làm đồ da kiểu mới phục vụ khách hàng ăn mặc theo mốt mới. Cửa hàng kê tủ kính ra trước cửa, bày bán các loại giày phụ nữ.
Ở chỗ này có cửa hàng đóng và bán giày tây da đủ loại. Xen lẫn với những cửa hàng giày dép, ở cả hai mặt phố giáp ngã tư Hàng Cân có những cửa hàng không lớn lắm, những nhà sản xuất và bán các loại hương nén, hương vòng.
Cứ đến những ngày giáp Tết, chỗ đầu Hàng Bồ này, dọc mấy bức tường cạnh của ngôi nhà Hàng Ngang, trông sang dãy cửa hàng của người Tàu sản xuất, tranh và pháo nhập của Hương Cảng. Người Việt Nam ta không chuộng tranh Tàu nên tranh chỉ bán cho người Tàu là chính, còn ta chỉ đứng xem.