Phố Đào Duy Từ hiện nay là một đường phố dài ngót ba trăm mét. Thời thuộc Pháp là hai phố có tên khác nhau. Từ Ô Đông Hà đến Hàng Buồm là đất thôn cũ Hương Bài, sau gọi là Hương Nghĩa (thôn Hương Bài sát nhập với thôn Kiên Nghĩa thành thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc, Tả Túc cũng đổi là tổng Phúc Lâm). Tên cũ là phố Sông Đào Cũ. Tại sao lại có tên đó? Có lẽ vì phố này đi dọc con đê cũ có đình Hương Nghĩa ở số 13b phố Đào Duy Từ góc phố Chợ Gạo, trong đình thờ Cao Tứ là em Cao Lỗ tướng nhà Thục.
Từ Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến là đất thôn cũ Ngư Võng thuộc tổng Hữu Túc sau gọi là tổng Đông Thọ; tên cũ vẫn là phố Đào Duy Từ. Cả hai đoạn phố Đào Duy Từ có nhiều phố ngang xuyên qua, cắt nhiều khúc ngắn, với những ngã tư Nguyễn Văn Siêu - Chợ Gạo, Hàng Buồm - Mã Mây, Sầm Công (ngõ Đào Duy Từ) - Galet (Lương Ngọc Quyến).
Phố Đào Duy Từ có nghề buôn thóc gạo là chính. Cửa hàng buôn bán gạo ở khu vực này rải rác ở mấy phố Trần Nhật Duật xuống đến Cột Đồng Hồ, Chợ Gạo và Ancien Canal (Đào Duy Từ trên) và tập trung nhất ở đoạn phố Ancien Canal. Tại đây có những hiệu buôn lớn của Hoa kiều và của người Việt Nam. Trong phố có đến hơn chục nhà buôn bán gạo; ở cả hai đoạn trên và dưới Đào Duy Từ có những nhà "chàn" tức là những kho rộng lớn chứa hàng cử người Tàu.
Việc buôn bán ngoài gạo có ngô, khoai ngô. Miền Bắc Trung Kỳ thường thiếu gạo khi giáp hạt, người ta ra đây mua ngô khoai (sản xuất nhiều), chở bằng đường xe hoả về làm lương thực. Hà nội còn tập trung gạo mua ở các tỉnh lân cận và bán lại cho bọn Hoa thương để mang xuống Hải Phòng xuất khẩu cho bọn Hương Cảng.
Hoa kiều buôn gạo trường vốn và thông thạo hơn ta, lại có điều kiện liên hệ rộng với bên ngoài như Hương Cảng, Tân Gia Ba, có quan hệ đồng hương với khách trú Chợ Lớn, nên nắm phương tiện vận chuyển, giao dịch với nhiều công ty xuất khẩu gạo. Họ tung tiền ra đón mua thóc gạo ngay sau những vụ gặt hái, phái người đi khắp các tỉnh đồng bằng thu mua của nông dân, cùng với Hoa kiều ở Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, thao túng thị trường. Thóc đi chuyên chở về, họ có cơ sở say sát, đặt máy, làm kho chứa một số lớn thóc gạo ở phố Đào Duy Từ này. Bao tải, thừng đay mua ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên).