Kéo dài từ đê sông Hồng (dốc Vĩnh Tuy) đến ngã tư Trung Hiền (cuối phố Bạch Mai). Phố này đi qua thôn Vĩnh Tuy Đoài, Mai Động và Hoàng Mai. Vĩnh Tuy Đoài vốn có đình khá to nhưng nay không còn, thờ thành hoàng là một vua chúa Chiêm Thành là Nha Cát và vợ là Nguyệt Nga. Thời Pháp thuộc đoạn đầu có tên là đoạn dốc Vĩnh Tuy, đoạn giữa là phố Mai Động, đoạn cuối là phố Hưng Ký (vì nhà tư sản Hưng Ký có xây một dãy nhà cho thuê ở dọc phố này). Đó đều là những tên do dân tự đăt. Sau Cách Mạng đã thông nhất tên gọi là phố Minh Khai.
Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 1-11-1910 tại thành phố Vinh. Năm 1927 bà tham gia Tân Việt Cách Mệnh Đảng. Năm 1927 thoát ly gia đình để đảm bảo công tác bí mật. Tới khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, bà được kết nạp. Mùa hè năm 1930 bà được cử sang Hương Cảng công tác tại văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Mùa hè năm sau bà bị mật thám Anh bắt trao cho chính quyền Quốc dân đảng Quảng Đông. Bị giam trên 3 năm, do Hội Cứu tế đỏ can thiệp, bà mới được trả tự do. Cuối năm 1934 bà được Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước cử vào đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản cùng Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nọn.
Trong những ngày còn ở Thượng Hải, Lê Hồng Phong và Minh Khai đã kết hôn, sau Đại hội, bà vào học trường Đại học phương Đông. Tháng 3-1936 bà về nước, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Ngày 30-7-1940 bà sa vào lưới giặc. Sau gần 1 năm giam cầm, tra tấn mà không moi được bí mật nào, Pháp đã đem Minh Khai ra xử bắn tại Hóc Môn.