Tên phố được đặt theo tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương-một nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền thơ ca của dân tộc.
Hồ Xuân Hương tên thật là Hồ Phi Mai, là con của Hồ Sĩ Danh (1706-1783), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, và một người thiếp quê ở Hải Dương.
Năm sinh, năm mất, thân thế, cuộc đời, và thơ văn của bà đến nay vẫn còn vướng mắc nhiều nghi vấn. Ta chỉ biết bà sống vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, người cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820), Phạm Đình Hổ (tức Chiêu Hổ, 1768-1839).
Hồ Xuân Hương học rộng, đọc sách nhiều, có kiến thức uyên thâm cả Nho, Phật, Lãọ. Nàng có tài ứng đối, dùng điển tích rất tài tình, Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán phục nàng: Tài cao nhã phượng thế gian kinh, Nguyễn Du so sánh nàng với Tiểu Thanh; Trương Đăng Quế, Hoàng Diệu Khuê, Trương Bỉnh Thuyên sánh nàng với Ban Chiêu, Tạ Huệ Liên, Tô Tiểu Muội, Sái Cơ của Trung Quốc, và đem Mai Am nữ sĩ, tức Công Chúa Lại Đức so sánh với Hồ Xuân Hương, (dĩ nhiên không thể sánh công chúa triều đình với một nhà thơ dâm tục được).
Hồ Xuân Hương lận đận trên đường tình ái, trên bốn mươi mới gặp được Tri phủ Tam Đái tức Vĩnh Tường, sau được thăng lên làm Hiệp Trấn Yên Quảng là Trần Phúc Hiển, được ba năm Phúc Hiển bị vu tội tham nhũng, nhưng thật ra Phúc Hiển chết là vì vây cánh của Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường bị phe Lê Chất, Lê Văn Duyệt diệt, Thi tướng tao đàn Cổ Nguyệt đường là Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán cũng tự tử chết.
Tác phẩm nổi bật nhất của bà là số thơ Nôm trong Xuân Hương Thi Tập (dù có đôi bài đáng nghi vấn). Ngoài ra bà còn để lại tập thơ chữ Hán tựa đề Lưu Hương Ký.
Thơ văn bà có ý lẳng lơ, mai mỉa, tinh nghịch, táo bạo, nhưng chứa chan tình cảm lãng mạn, thoát ly hẳn với những lễ giáo phong kiến thời bấy giờ.