Sáng 5/3/2014, lễ gắn biển tên cho phố Trần Kim Xuyến đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Từ thời điểm này, Thủ đô chính thức có một tuyến đường mang tên nhà báo liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng, người lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam.
1. Rộng rãi, quang đãng với mặt cắt 20m và dài 550m, phố Trần Kim Xuyến kéo dài từ phố Vũ Phạm Hàm cho tới sát nút giao đường Trung Kính. Thực chất, từ cách đây vài năm, tuyến phố này đã định hình và được đưa vào sử dụng như một trục giao thông chính của cụm đô thị mới Yên Hòa – trước khi có tên chính thức.
Vài giờ trước buổi lễ, đại biểu, báo giới và rất nhiều công dân Hà Nội đã có thời gian được chia sẻ thông tin về nhà báo Trần Kim Xuyến qua những tấm pano được TTXVN trưng bày tại đầu phố. Gần như tròn 67 năm trước đó, ngày 3/3 năm 1947, vị lãnh đạo đầu tiên của TTXVN đã chỉ huy cán bộ Nha Thông tin sơ tán tài liệu trước trận càn bằng xe thiết giáp của thực dân Pháp và vĩnh viễn nằm lại tại Đầm Sen (Chương Mỹ, Hà Nội). Cùng các đại biểu của Hà Nội và TTXVN, rất đông cán bộ tại Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi ông sinh ra, cũng có mặt trong sự kiện quan trọng này.
“Hôm nay, tâm nguyện của toàn ngành thông tấn về việc tôn vinh bậc tiền bối có công với nước, có công với báo chí cách mạng VN, với cơ quan TTXVN đã được hoàn thành” – Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi phát biểu. Theo Tổng giám đốc, đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam - cũng như sự tri ân của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với nhà báo Trần Kim Xuyến, người có đóng góp lớn cho độc lập dân tộc và cho báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là ngành thông tấn.
Sau khi ông Trương Minh Tiến (Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội) công bố quyết định của thành phố về việc đặt tên phố Trần Kim Xuyến, nhà báo Đỗ Phượng (nguyên Tổng giám đốc TTXVN) chia sẻ với các đại biểu: “Trong cuộc đời làm nghề, tôi có vinh dự được 2 lần chứng kiến lễ đặt tên phố mang tên các nhà báo của TTXVN. Lần đầu tiên diễn ra cách đây vài năm, tại TP HCM, khi Hội đồng nhân dân thành phố quyết định đặt cho một con phố ở quận Bình Thạnh cái tên Bùi Đình Túy – nhà báo liệt sĩ của TTXVN từng hi sinh trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ”
2. “Tôi rất xúc động, khi biết TTXVN đã đứng ra đề nghị thành phố Hà Nội chọn một tuyến phố mang tên cha mình. Và, từ một tấm biển tên phố đơn giản ấy, chắc chắc rất nhiều công dân thủ đô, trong đó có cả những bạn trẻ. sẽ quan tâm và tìm hiểu thêm về những đóng góp của cha tôi”- bà Trần Lệ Thu, con gái của nhà báo – liệt sĩ Trần Kim Xuyến, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa. Ở tuổi gần 70, bà Thu là một trong những đại biểu được mời lên tham gia nghi thức gắn biển tên, cùng với lãnh đạo TTXVN và lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội.
Khi liệt sĩ Trần Kim Xuyến hi sinh ở tuổi 27, bà Thu còn quá nhỏ. Bởi vậy, người con gái duy nhất của nhà báo chỉ có thể biết về cha mình qua những câu chuyện do bà nội, hoặc các bạn đồng nghiệp của cha mình.
Theo ông Phan Đăng Long (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội), trong thời gian qua, việc đặt tên, đổi tên tại Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm tối đa của các nhà nghiên cứu và quần chúng nhân dân. Bên cạnh yếu tố quản lý đô thị, công việc này còn hàm chứa ý nghĩa đặc thù về lịch sử, văn hóa nên luôn được triển khai rất kĩ theo quy trình 8 bước, bao gồm lập danh mục, khảo sát hiện trạng đường phố dự định đặt tên, lấy ý kiến Hội đồng chuyên gia...