Phố Nguyễn Trường Tộ là đất thôn cũ Yên Ninh và Yên Thành. Tên thời Pháp là Rue Jambert. Phố mang tên Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) một chí sĩ, danh sĩ, kiến trúc sư và là một tín đồ Công giáo yêu nước.
Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong một gia đình theo đạo Công giáo, nhưng Nguyễn Trường Tộ học thông tứ thư ngũ kinh của Nho giáo.
Năm 27 tuổi, ông được giám mục Gauthier (hay Ngô Gia Hậu) mời vào chủng viện Tân Ấp, thuộc xứ Xã Đoài để dạy chữ Hán và được giám mục dạy lại tiếng Pháp cùng các kiến thức khoa học châu Âu. Năm 30 tuổi (1858), ông được giám mục Gauthier đưa qua Hương Cảng, Singapore, Thuỵ Sĩ. Trên đường đi ông có ghé Roma yết kiến Giáo hoàng rồi cuối cùng sang Paris theo học trong gần 2 năm. Trong thời gian ngắn ngủi này, ông đã miệt mài học tập tiếp thu tri thức khoa học hiện đại, tìm hiểu thực tế xã hội phương Tây, với mong muốn trở về giúp ích cho đất nước. Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ về nước, giữa lúc thực dân Pháp đang lần lượt chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, ông miễn cưỡng làm chức từ hàn (phiên dịch) cho Pháp. Năm 1862, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard mở cuộc chiến xâm lược Việt Nam, ông xin thôi, không làm việc cho Pháp nữa. Thời gian này ông đem những hiểu biết của mình giúp ích cho quê hương đất nước. Việc đầu tiên là ông hướng dẫn dân làng Xuân Mỹ, một nơi khí độc, đất xấu đi đến một vùng đất mới, xây dựng làng xóm trù phú, đường xá dọc ngang như bàn cờ (Xuân Mỹ nay là xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Năm 1862-1863, ông thiết kế xây dựng tòa nhà nguyện của dòng tu nữ ở Sài Gòn. Năm 1864-1866 ông thiết kế xây dựng 4 ngôi nhà trong giáo khu Xã Đoài. Các công trình này của ông thuộc về những công trình kiến trúc đầu tiên theo kiểu giữa thế kỷ 19 của châu Âu. Cùng thời gian này, ở quê nhà, ông đã giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Kế Viêm đào kênh Sắt, một công trình xưa Hồ Quý Ly dự định làm nhưng không thể.
Ở ẩn nơi quê nhà, ông lần lượt gởi lên triều đình nhiều bài điều trần giá trị, đề nghị chính quyền cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... Ông còn để lại đời hơn 14 bản điều trần về quốc kế dân sinh và khá nhiều bài thơ hay được truyền tụng.
Ông mất vì một cơn bệnh hiểm nghèo, ở làng quê Bùi Chu ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 24, tức ngày 23 tháng 11 năm 1871.