Nối từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than, nguyên là vùng hồ Mã Cảnh thuộc thôn Cận Hàn và Yên Thuận. Thôn Cận Hàn không còn vết tích gì, thôn Yên Thuận còn đền Thượng và Hạ nay là số nhà 25 và 39 phố Hàng Than. Ngoài ra phố Nguyễn Trung Trực còn đình Tây Luông nhưng không phải di tích đáng chú ý, thờ Quan Công. Thời Pháp thuộc, đây là phố Tơ-ri-pen-bách (rue Trippenbach).
Nguyễn Trung Trực sinh khoảng năm 1838, có tên nữa là Lịch, người phủ Tân An (nay là Long An). Ông thông hiểu chữ Hán, vừa làm nghề nông, vừa làm nghề chài lưới. Ngay khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông đã đứng lên chống lại chúng. Trận đánh nổi tiếng của ông lúc ấy là trận đốt cháy tàu Ét-pê-răng-xơ (Espérance) trên sông Vàm Cỏ Đông năm 1861. Năm 1867, Pháp chiếm xong Nam Kỳ, triều đình đầu hàng, phong cho ông làm lãnh binh và gọi ra miền trung, ông chống lệnh và lập căn cứ kháng chiến ở đảo Hòn Chông. Sáng 16-6-1868 ông đưa quân về đánh úp đồn Kiên Giang tiêu diệt toàn bộ quân Pháp ở đó. Sau ông dời sang đảo Phú Quốc. Tháng 8-1868 ông bị giặc bắt, chúng dụ dỗ nhưng ông không đầu hàng. Cuối cùng giặc đem ông ra hành hình ở Rạch Giá ngày 27-10-1868.