Kéo dài từ phố Quan Thánh đến phố Phan Đình Phùng, nguyên là đất thôn Tân Yên. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Châu Long thành Châu Yên. Thời Pháp thuộc, đây là phố Anh em Suây-de (rue des Frères Schneider). Tên hiện nay được đặt từ sau Cách Mạng.
Nguyễn Biểu người làng Nội Diên, Hà Tĩnh. Không rõ ông sinh năm nào chỉ biết mất năm 1413. Ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ), đời Trần Trùng Quang làm chức ngự sử. Năm 1413, tướng giặc Minh là Trương Phụ đánh tới Nghệ An. Vua Trùng Quang chạy vào Hóa Châu, sau Nguyễn Biểu đến trại giặc giảng hòa. Để thử tinh thần ông, Phụ thết cỗ đầu người. Ông khoét ngay 2 con mắt, chấm vào dấm rồi nuốt, lại làm một bài thơ nói về việc này, ý nói đầu giặc Minh là một đồ nhắm được. Ông đề xuất vấn đề công nhận vua Trần, Trương Phụ không nghe, ông trở về. Do bọn Việt gian xúc xiểm, Phụ sai lính đuổi bắt ông, lệnh trói vào cột ở chân cầu sông Lam để nước thủy triều dâng lên dìm chết.