Phố Ngọc Hà đây là một con đường cũ đi ở phía bên ngoài các xóm của làng Ngọc Hà, sớm có nhà cửa và thành một đường phố. Thời Pháp phố có tên là Route de Ngọc Hà.
Làng Ngọc Hà nổi tiếng với nghề trồng hoa. Làng nằm ở phía Đông tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức (đầu thế kỷ XIX). Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm một phần đất của làng để xây dựng Phủ Toàn quyền và Vườn hoa Bách Thảo.
Ngọc Hà là làng nhỏ, nhưng dân đông (năm 1926 có 990 nhân khẩu), đất thổ cư chiếm một tỷ lệ lớn, không có ruộng cấy lúa, chỉ có vườn để trồng hoa và rau nên vườn và nhà đan xen nhau. Nghề trồng hoa có từ lâu đời. Tục truyền, xưa kia, Ngọc Hà có rất nhiều ruộng đất bỏ hoang. Về sau, nhiều quan lại khi về hưu đã đến làng mua đất làm nơi dưỡng lão, trồng hoa và cây cảnh để giải trí, từ đó hình thành nghề trồng hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Hoa được xâu vào lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá tươi buộc lạt. Người bán hoa (thường là các cô gái) đem treo lên cửa các nhà đặt mua trước hoặc các nhà có điện thờ. Đầu thế kỷ XX, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng, dùng vào các dịp lễ, tết theo lịch dương. Người Ngọc Hà dần tìm học được kỹ thuật trồng các loại hoa này vừa để bán cho cả người Việt và người Pháp, vừa để chơi trong phòng khách nhà mình. Các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực Hồ Gươm và phố Hàng Lược, chợ Đồng Xuân. Vào dịp Tết Nguyên đán, hình thành chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán.
Ngoài trồng hoa, người làng Ngọc Hà còn vào thành phố làm thuê, làm viên chức trong các công sở, công nhân trong các xí nghiệp. Đời sống của dân làng xưa kia nhìn chung khá giả.
Làng cũ có 5 xóm (Giữa, Trên, Trong, Ngoài, Đống Nước). Các xóm đều có đường thông ra phố Đội Cấn và làng Đại Yên. Cư dân trong làng có 3 họ lớn, như Trần Văn, Trần Lê, Trần Nguyễn, còn họ Phạm là họ ít đinh, ?lép vế?, thường bị các họ trên chèn ép. Trai đinh trong làng sinh hoạt trong 4 giáp. Các dòng họ gốc hiện không còn mấy người ở trong làng vì con cái họ sớm đi làm công chức, một số kinh tế khá giả mua đất ở mặt phố để kinh doanh.