• Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền

  • 544, Cách mạng tháng Tám, 4, Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh
  • 08-38441558 - 08-38111068 *FAX: 08-38422909 08-38441558 - 08-38111068 *FAX: 08-38422909
  • http://nth.e-school.edu.vn/
  • Giá khoảng: Chưa xác định
Lượt xem: 590
Giới thiệu

Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền thành lập năm 1970. Lúc đầu trường mang tên là trường trung học Tân Bình, đến năm học 1973-1974 trường được đổi tên là trường trung học Nguyễn Thượng Hiền, tên của một nhà Nho học giỏi, hiếu nghĩa và yêu nước. Trường tọa lạc tại ngã tư Bảy Hiền thuộc tỉnh Gia Ðịnh, là vùng ven của TP. Hồ Chí Minh.

Bốn mươi năm, tính từ cái mốc khởi điểm của một trường công lập có tên “Trường Tân Bình” để thấy rằng 30 năm qua là một khoảng thời gian cũng đủ để tự nhìn nhận, đánh giá về mình, về một ngôi trường đã lớn lên giữa bao muôn vàn khó khăn trong suốt hơn một phần tư thế kỉ.

Là một trường công vừa mới thành lập, chưa được xây dựng hoàn chỉnh, những năm đầu sau ngày giải phóng là những khó khăn chồng chất khó khăn: cơ sở vật chất nghèo nàn thiếu thốn, trật tự kỉ cương bị buông lỏng, chất lượng giáo dục yếu kém,… nhưng cùng với thời gian, bằng những bước đi thích hợp, nhiều thế hệ giáo viên và học sinh của trường đã làm nên điều tưởng chừng không thể làm được là đưa nhà trường vươn lên từ một trường yếu kém thành một trong những đơn vị điển hình xuất sắc của ngành Giáo Dục - Ðào Tạo Thành phố và cả nước. Hơn thế nữa, điều làm cho mỗi chúng ta đều cảm thấy ấm áp, tự hào là trong mười năm trở lại đây, trường Nguyễn Thượng Hiền đã trở thành một cái tên, một địa chỉ, một ước mơ để nhân dân gửi gắm con em, để các cấp lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cũng như ngành Giáo Dục đặt nhiều hi vọng. Những thành tích trong học tập và rèn luyện của nhiều thế hệ học sinh. Những thành quả lao động của các thầy cô giáo đã làm nên truyền thống “YÊU NƯỚC, HỌC GIỎI, DẠY GIỎI” của trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền.

Bốn mươi năm qua, biết bao điều tốt đẹp đã diễn ra, biết bao điều đổi thay cần nhìn lại. Chúng ta biết ơn tất cả những ai đã góp phần cho sự phát triển của ngôi trường, phấn đấu mãi mãi để giữ vững và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, xứng đáng với lòng tin yêu và niềm tự hào của bao thế hệ Thầy trò trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền.

Bốn mươi năm: Ngày ấy… Bây giờ

Không có hiện tại nào không chất chưa quá khứ! Bây giờ và Bốn mươi năm qua, chúng ta đã và đang làm việc trong một không gian có nhiều đổi thay nhưng dấu ấn của thời đã qua vẫn còn đó. Những ai đã từng gắn bó với ngôi trường trong khoảng thời gian Bốn mươi năm, chúng ta cùng nhìn lại!

Khởi đầu …

Tháng 11 năm 1969, trường Trung học Tân Bình khai giảng niên khóa đầu tiên tại một ngôi trường đi thuê để học tạm: Trường tư thục Nhân Văn (nay là trường tiểu học Bành Văn Trân). Lúc ấy, trường Tân Bình mới thu nhận mười lớp học ở bậc Trung học đệ nhất cấp (cấp 2). Giáo viên khoảng hơn mười người.

Năm thứ hai, 1970-1971, trường mới xây xong. thầy trò trường Tân Bình dời về ngôi trường tọa lạc tại số 544 đường Lê Văn Duyệt, quận Tân Bình (Cách Mạng Tháng 8). Trường gồm một dãy lầu hai tầng, 12 phòng . Tám phòng ở hai tầng trên dùng làm phòng học, bốn phòng dãy trêït làm khu hành chánh .

Năm thứ ba, cơ sở trường xây dựng bổ sung thêm dãy lầu bên phải, hai tầng, 12 phòng.

Năm sau, khi đội quân viễn chinh Ðại Hàn rút về nước, các khoảnh đất trước đây do quân Hàn Quốc làm doanh trại, nay được giao cho trường Tân Bình sử dụng. Từ dó, diện tích của trường mở rộng hơn .Trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp (cấp 3).

Niên khóa 1973-1974, trường đổi tên mới: trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lịch sử sang trang.

Chiến thắng ngày 30-4-1975 tại miền Nam, cụ thể tại thành phố Hồ Chí Minh đã đóng lại mùa học cuối cùng dưới chế độ chính trị do Mỹ lập nên ở miền Nam và mở ra một mùa hè đầu tiên dưới mái trường do ban Ðiều hành lâm thời theo chế độ quân quản. Thầy Văn Ðức Kim là Trưởng ban Ðiều Hành của trường.

Tháng 9 năm 1975, ngày khai giảng đầu tiên của trường Nguyễn Thượng Hiền, nhà trường của Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường: thầy Lê Bền.

Những ngày sau giải phóng là những ngày sôi động, Mitting, hội thảo … Nhìn lá cờ hoa xanh đỏ, lá cờ đỏ sao vàng mỗi ngày tung bay trên cột cờ, lòng người rộn lên một niềm cảm động: đất nước từ đây sạch bóng quân thù!

Nhưng qui luật kinh tế hậu chiến khắc nghiệt theo đúng qui luật tất yếu đã ập đến quá nhanh. Làm sao tránh được khó khăn khi mà cả dân tộc ta đã phải gồng mình để gánh trên vai hai cuộc chiến tranh khốc liệt tổng cộng 120 năm!

Các cán bộ giáo viên công nhân viên của trường Nguyễn Thượng Hiền cũng không thể được đặt ngoài những khó khăn chung của đất nước .

Những ngày gieo neo thiếu thốn! Những thái quá cũng như những bất cập khiến một số không ít người giao động. Có người không giữ được lòng mình trước những khó khăn nên đã bỏ nghề, hoặc đã ra đi!

Những người ở lại là những người trung kiên với đất nước, những người yêu nghề tha thiết mà không có hào nhoáng vật chất nào cám dỗ được! (Tất nhiên cũng có người ở lại vì những lí do khác ). Tất cả giáo viên nhân viên của trường Nguyễn Thượng Hiền đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, cùng nhìn vào những học sinh trong trắng như tờ giấy mới tinh khôi chờ họ viết những trang học, những trang đời tốt đẹp. Ðiều đó là sức mạnh để giáo viên đứng vững trên bục giảng.

Hôm nay, nhớ lại những ngày ấy, phải nói rằng, những ai còn lại, nhất là những ai vẫn bình tĩnh trụ được và vẫn vững vàng trên cương vị người giáo viên, quả thật đáng phong tặng giáo viên anh hùng lao động!

Tất nhiên, trong những khó khăn chung của tập thể giáo viên trong những năm gieo neo đó luôn có sự đồng cam cộng khổ, động viên chia sẻ của Ban Giám hiệu, của tổ chức Ðảng và Công đoàn nhà trường. Cho nên, những ai còn lại bây giờ nơi này luôn giành một chỗ trân trọng trong tình cảm của mình cho các đồng chí ấy.

Ông bà ta có câu nói rất hay: Gia bần tri hiếu tử! Quả vậy, chính trong những gian khó thời ấy, nơi đây vẫn hiện hữu những nhà giáo hết sức trung thành với nghề nghiêïp, vẫn bám trường bám lớp một cách tân tụy và trong sáng. Họ cố vượt qua ” con đường gian khổ ” (từ của A.Tolstoi). Họ vẫn kiên nhẫn, âm thầm chờ đợi và tin tưởng sẽ có một ngày tươi sáng hơn.

Năm 1982, trước thực tại đầy bức xúc, cần có một đổi thay để vực dậy một nền giáo dục gần như mất sức sống, Nhà nước đã bắt đầu quan tâm đến sự đổi mới. Trong cái chung, trường Nguyễn Thượng Hiền cũng có cái riêng cần đổi mới .

Một ban giám hiệu mới được bổ nhiệm gồm thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Nghi và thầy Nguyễn Hoài Chương làm Hiệu phó. Ðến năm 1985, BGH gồm thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Nghi, thầy Hiệu phó Trương Quang Hiệp và thầy Hiệu phó Nguyễn Hoài Chương.

Các tổ chức Ðảng&Ðoàn được củng cố. Một khối đoàn kết dần hình thành. Nắm được qui luật “vật chất quyết định ý thức “, Lãnh đạo nhà trường mạnh dan tìm cách nâng cao, cải thiện đời sống vật chất của cán bộ giáo viên công nhân viên trường. Hình thức thưởng thi đua theo chỉ số được áp dụng .

Cũng có lúc Nhà nước quyết định đổi tên trường thành trường Cấp III Nguyễn Văn Trỗi (1985-1987). Nhưng cái tên của nhà yêu nước, nhà thơ, nhà trí thức Nguyễn Thượng Hiền dường như có duyên với trường ta hơn, nên sau đó không lâu lại được chính thức chọn đặt tên cho trường: Trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền

Từ năm 1984 –1985, trường đã ổn định và bắt đầu nhận bằng khen trường xuất sắc của ngành giáo dục thành phố.

Ðổi mới là một nhu cầu để tồn tại và phát triển. Ðại hội Ðảng lần thứ 6 đã đem lại một sự cải cách trong một qui mô lớn. Ðiều đó như là một làn gió mới hỗ trợ quá trình lột xác của trường Nguyễn Thượng Hiền nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tổ chức là nguyên tắc tối thượng, kết hợp với sự Ðoàn kết để tạo sức mạnh. Ðó là điều mà Ban giám hiệu, Bí thư chi bộ, Công đoàn của trường Nguyễn Thượng Hiền rất quán triệt. Nên đã thổi vào trường, vào tập thể các thầy cô giáo trong trường ta một luồng sinh khí mới, tạo một sức bật mới, đưa ngôi trường đi lên! Quả là mầu nhiệm! Từng bước vững chắc, trường Nguyễn Thượng Hiền đã lột xác, đạt những thành tích, để từ năm 1985 đến nay, trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến, rồi lá cờ đầu của ngành, lá cờ đầu toàn quốc, Huân chương Lao động hạng ba …Tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông thuộc loại cao nhất, điểm tuyển sinh 10 cao nhất, tỉ lệ đỗ đại học rất cao, các giải cao về học giỏi… Ngoài ra trường cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các hoạt động về văn thể khác .

Các đoàn thể như Ðảng, Ðoàn, Công đoàn đều được công nhận là những tổ chức có hoạt động xuất sắc .

Chi bộ liên tục là Chi bộ trong sạch vững mạnh, được Ðảng ủy Sở GD-ÐT và Thành uỷ TP.HCM khen.

Ðoàn trường liên tục trong nhiều năm được bằng khen của Trung ương Ðoàn.

Công đoàn được công đoàn ngành, công đoàn thành phố công nhận “Công đoàn vững mạnh” trong nhiều năm, và được nhận bằng khen của Tổng liên Ðoàn Lao động Việt nam công nhận “Công Ðoàn cơ sở xuất sắc” năm học 1999 – 2000.

Nhưng quan trọn hơn cả là sự vươn lên của ngôi trường đã tạo được sự an tâm, niềm tin nơi giáo viên. Tập thể cán bộ giáo viên của trường cùng nâng cao được chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh. Tạo được niềm tin của xã hội vào thiên chức của người thầy.

Tập thể cán bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh của trường, hôm nay, khi nhìn lại 18 năm xây dựng và đổi mới (1982 –2000), rất biết ơn những cán bộ giáo viên, công nhân viên đã kiên trì, thầm lặng cống hiến trí tuệ và sức lực cho quá trình đổi mới đó. Ðặc biệt xin trân thành biết ơn Thầy Nguyễn Hữu Nghi, người Hiệu trưởng, Nhà Giáo Ưu tú vô cùng tha thiết với sự nghiệp giáo dục, đã đem hết tâm huyết để xây dựng ngôi trường này.

Năm 1998, Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Nghi nghỉ hưu .

Thầy Nguyễn Hoài Chương được Ban Giám đốc Sở GD – ÐT bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Cô Hồ Cam Thanh: Hiệu phó chuyên môn.

Từ những thành tựu về cơ sở vật chất, những thành tựu về tinh thần đã có, ban giám hiệu mới gồm: Thầy Chương, Thầy Hiệp, Cô Cam Thanh đã phát huy thêm và tạo được những chuyển biến mới cả về chất, về lượng trong đời sống của cán bộ giáo viên, công nhân viên và trong thành tích dạy và học.

Năm 1999, trường được nhà nước đầu tư cho xây dựng, mở rộng, nâng cấp để trở thành một trường hoàn chỉnh, qui mô đồ sộ.

Năm 2004 Thầy Nguyễn Hoài Chương được bầu làm phó Giám Đốc Sở GD - ĐT và cô Hồ Cam Thanh được ban giám đốc bổ nhiệm làm Hiệu trường, thầy Trương Quang Dũng làm hiệu phó CSVC, thầy Võ Văn Dũng làm hiệu phó chuyên môn. Người mới, sức mới! Người trẻ, sức trẻ! Trường như trẻ ra với không khí mới của những người lãnh đạo trẻ. Dẫn dắt trường từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Năm học 2008 -2009 trường vinh hạnh đón nhận huân chương lao động hạng nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng. Một món quà lớn, một nỗ lực lớn lao của thầy và trò cũng như ban lãnh đạo trường Nguyễn Thượng Hiền.

Và giờ đây ngôi trường bây giờ trông đẹp hơn, trẻ ra, nhà trường lại tiếp tục cho xây dựng một nhà thi đấu đa năng và một hồ bơi cho học sinh học tập và rèn luyện thể lực.

Một không khí vừa khẩn trương, vừa tất bật nhưng cũng rất thân thiết, thân thương, gắn bó.

Tất nhiên Ban giám hiệu có những ưu tư mới, giáo viên cong nhân viên cũng chia sẻ những lo toan của lãnh đạo. Nhưng đó đây vẫn không thiếu những tiếng cười rộn rã hồn nhiên, thoải mái của Thầy cô, của trò. Có những trăn trở, cũng có những niềm vui rất chan hòa và đồng điệu trong tập thể, từ cấp lãnh đạo đến cán bộ giáo viên công nhân viên. Phải chăng đó là điều may mắn, là hạnh phúc lớn của một ngôi trường ? Xin dâng tặng tất cả những gì đã có và những gì đang có làm món quà quí giá để mừng SINH NHẬT TUỔI BỐN MƯƠI CỦA TRƯỜNG NGUYỄN THƯỢNG HIỀN THÂN YÊU.

Va giờ đây trường với một đội ngũ giáo viên nhân viên có trình độ học vấn cao và giàu kinh nghiệm cùng với ban giám hiệu nhà trường đã đưa trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền trở thành một trường PTTH có uy tín và chất lượng của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

 

Đánh giá
Hiện tại chưa có bình luận nào. Bạn hãy chia sẻ cảm nhận và góp ý với chúng tôi để chúng tôi hoàn thiện mình hơn nữa.
Địa điểm liên quan
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền

544, Cách mạng tháng Tám, 4, Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh

Không còn dữ liệu.
An
diachiso.vn